Giấc ngủ bình yên
Điều mà con thích làm nhất là ngủ, nhưng bên cạnh đó con còn có nhiều hoạt động bí mật khác nữa. Trong đó, bốn bề tối om, con nhắm mắt nhưng lại đưa ngón tay cái lên miệng mút (mẹ ngạc nhiên lắm phải không? Hóa ra sở thích mút ngón tay đã có từ rất lâu chứ không phải đợi đến khi con ngứa lợi mọc răng). Con lặng lẽ nghe những âm thanh từ bên ngoài, cả giọng nói quen thuộc của mẹ nữa, mẹ thường hay nói với con bằng đủ các ngữ điệu, thật là yên ả, nhịp tim đập đều đều của mẹ vỗ về đưa con vào giấc ngủ bình an. Kể từ ngày thụ thai, thông thường còn thêm hơn 9 tháng nữa, con mới rời khỏi căn hộ chật hẹp trong bụng mẹ để chuyển sang cái giường bé xinh. Con bây giờ đã biết nhiều thứ lắm rồi, chỉ cần không ngủ là thế nào con cũng tranh thủ thời gian luyện tập, chuẩn bị cho ngày chào đời. Con học cách điều khiển cơ thể của chính mình. Điều này thật không đơn giản chút nào mẹ ạ, vì thế mà càng ngày con tập luyện càng nhiều, với những động tác khác nhau. Con biết rằng vận động tốt hơn là nằm im mà. Kỳ thực con bắt đầu vận động từ tuần thứ 8 kể từ ngày thụ thai. Khoảng từ tháng thứ 4 hệ thống thần kinh bắt đầu hoạt động, con đã có thể quay người ở trong túi ối, trôi qua trôi lại, có lúc còn lộn ngược nữa đấy mẹ ạ.
Lần đầu tiên cảm thấy mẹ nhận thấy con cử động, cái cảm giác ấy nhẹ nhàng giống như “chuồn chuồn điểm nước”, sau này thì rõ ràng như những vũ điệu mạnh mẽ của cư dân Nam Mỹ. Mẹ có thể cảm nhận được những vận động của con nhưng còn những giác quan khác phát triển đến đâu?
Từ khi còn ở trong bụng mẹ con đã bắt đầu nghe, nếm và cảm giác rồi. Mẹ có thể thấy điều đó quá siêu âm, mẹ sẽ thấy con phản ứng với những kích thích của giác quan như thế nào. Trong những tuần đầu, phản ứng của con là trực tiếp. Đến giữa thai kỳ, do đã được tập luyện nên phản ứng của con trở nên nhạy cảm hơn. Mặc dù người ta chưa thể chứng minh bằng khoa học rằng sau khi sinh con vẫn chịu ảnh hưởng từ những điều đã trải nghiệm từ trong bụng. Nhưng có rất nhiều người tin điều này mẹ nhỉ?
Lẳng lặng lắng nghe
Thính giác của con đã phát triển từ rất sớm, khi mẹ mang thai con được 6 tháng, con đã bắt đầu có những phản ứng đối với kích thích thính giác. Nhịp tim của con sẽ đập nhanh hơn hoặc con sẽ có những cử động tay chân để biểu thị: “Con nghe thấy rồi ạ.” Cơ quan thính giác của con không ngừng được hoàn thiện, từ khi được 26 tuần tuổi, con đã bắt đầu phân biệt được những âm thanh khác nhau.
Con luôn lắng nghe những âm thanh từ cả hai không gian, không gian phía bên ngoài và không gian ngay trong bụng mẹ. Trong bụng mẹ chẳng hề yên tĩnh chút nào, con nghe thấy rất rõ nhịp tim của mẹ, tiếng dòng máu chảy trong mạch, tiếng dạ dày co bóp thức ăn, thỉnh thoảng còn nghe thấy tiếng ho khan của mẹ nữa. Tất nhiên là tiếng nói của mẹ thì con nghe rõ hơn bất cứ âm thanh nào.
Thực ra, ở 3 tháng cuối của thai kỳ, tất cả mọi chuyện xảy ra ở bên ngoài con đều biết hết, tiếng của mọi người xung quanh, tiếng các phương tiện giao thông, đương nhiên là cả tiếng nhạc nữa ạ. Khi những hiếu kỳ ban đầu qua đi, con sẽ có những biểu hiện yêu ghét: Nhạc cổ điển có tác dụng thư giãn, nên con rất thích, còn những âm thanh đinh tai nhức óc, con sẽ đấm đá, vung chân vung tay để phản đối ngay cho mẹ xem.
Vậy âm thanh ở bên ngoài truyền đến tai con có thay đổi như thế nào?
Con nghe được âm thanh to hay nhỏ còn phụ thuộc tỷ lệ thuận vào thành bụng của mẹ dày hay mỏng, lượng nước ối ít hay nhiều. Giống như khi mẹ lặn dưới bể bơi, thì mẹ sẽ thấy những âm thanh ở bên ngoài nhỏ hơn và bị biến dạng ít nhiều so với khi mẹ nhô đầu lên khỏi mặt nước. Như vậy mẹ có thể tưởng tượng được con nghe được âm thanh như thế nào khi chưa chào đời, những âm thanh con nghe được khi ấy sẽ không thật chuẩn xác, điều đó chỉ có thể có được sau 9 tháng 10 ngày mà thôi.
Hương vị ngọt ngào
Trong cơ thể mẹ, mùi vị nào đối với con cũng ngon tuyệt. Vì trong giai đoạn từ 5 đến 7 tháng số lượng của lưới vị giác (phân bố trên bề mặt lưỡi) của thai nhi là nhiều nhất, thậm chí còn nhiều hơn cả người lớn, đến giai đoạn cuối của thai kỳ những thần kinh cảm quan này lại thoái hóa dần.
Đương nhiên, nằm trong cơ thể mẹ con thưởng thức mọi hương vị không phải bằng miệng. Con hấp thu dinh dưỡng từ cơ thể mẹ qua dây rốn, nhưng điều này cũng không ngăn cản con nếm nước ối. Thực ra từ 12 tuần tuổi con ngày càng thích thú với việc nếm nước ối. Việc nuốt nước ối này còn giúp con luyện công năng của phổi và thận.
Trong nước ối có cả thành phần của đường và muối. Mặc dù chưa chào đời nhưng con rõ ràng là thích vị ngọt hơn. Có người đã làm thí nghiệm và rút ra kết luận: Thai nhi không thích dung dịch muối lắm, vì rất ít khi nuốt dung dịch có vị mặn, nhưng chỉ cần là dung dịch có vị ngọt thì thai nhi sẽ không ngừng tóp tép miệng. Nghiên cứu còn chứng minh rằng, mẹ ăn những thức ăn có vị mạnh như gừng hay hành, thì con cũng cảm nhận được vị đó qua nước ối đấy mẹ ạ.
Mắt đảo đi đảo lại
Sẽ có người hỏi: “Trong bụng mẹ có cái gì đáng xem ?” Thông thường da bụng và quần áo của mẹ đã ngăn hết cả ánh sáng vào chỗ con rồi, khi ánh sáng chiếu vào bụng mẹ con chỉ thấy màu hồng nhạt mà thôi.
Đa số thời gian con nhắm mắt. Sự phát triển của thị giác so với các giác quan khác nói chung là chậm hơn nhiều, phải đợi đến khi con chào đời mới hoàn thiện được. Mặc dù vậy, con vẫn có những “bài tập thể dục cho mắt”. Từ 16 tuần tuổi, con bắt đầu đảo qua đảo lại đôi mắt của mình một cách chậm chạp, từ 23 tuần tuổi con bắt đầu tăng tốc cho “bài tập mắt”. Từ 26 tuần tuổi trong những quãng thời gian rất ngắn lúc thì con mở mắt, lúc lại nhắm mắt. Trong bụng mẹ con rất mẫn cảm với ánh sáng, nhiều chứng minh đã cho thấy con quay về phía có nguồn sáng.
Mút tay ngon lành
10 tuần tuổi kể từ ngày mẹ thụ thai con trở đi, con bắt đầu có xúc giác. Khi bắt đầu chuyển động được con thấy thích thú với cơ thể mình. Nếu mẹ quan sát con qua siêu âm trong thời gian từ 12 đến 24 tuần tuổi mẹ sẽ thấy con rất hay đưa bàn tay bé nhỏ lên sờ mặt mình, có lúc lại sờ cánh tay kia hay đầu gối hay đùi của mình. Hay nhất là mút ngón tay cái, chẳng hiểu sao con lại thích mút ngón tay cái, chắc là nó hơi giống núm vú của mẹ. Có lúc con lại còn thích tóm dây rốn nữa, đồ chơi này hay lắm mẹ ạ.
Đau, con không thoải mái
Chưa chào đời con có biết đau không ? Các bác sĩ cho rằng con có cảm giác đau khi đã được 24 tuần tuổi. Cho nên nếu có làm phẫu thuật thì người ta sẽ tiêm thuốc tê cho thai nhi qua dây rốn.
Con sẽ cảm thấy không thoái mái, ví dụ khi nước ối quá ít. Người ta có thể thấy được điều đó qua siêu âm. Với những cặp thai đôi, thỉnh thoảng chúng con cọ đầu vào nhau, hoặc vuốt ve qua màng thai để thể hiện tình cảm, nhưng nếu tính cách mạnh mẽ, thỉnh thoảng chúng con cũng “thượng cẳng chân hạ cẳng tay” với nhau đấy. Con còn cảm nhận được khi nào mẹ vuốt ve “căn phòng chật chội” của con, mẹ thấy không thỉnh thoảng con cũng đáp lại những động tác âu yếm của mẹ đấy. Tình yêu bao la của mẹ, con cảm nhận được hết, con sẽ đáp lại rõ ràng hơn sau khi con chào đời mẹ nhé. <3 <3 Edit
DÀNH RIÊNG CHO BẠN:
0 nhận xét:
Đăng nhận xét