Những nguy cơ tiềm ẩn khi cho bé ăn dặm sớm

Nhiều bậc cha mẹ nghĩ rằng cho con ăn dặm sớm sẽ giúp bé mau lớn, cứng cáp và bụ bẫm. Đây là một sai lầm và dẫn đến nhiều bé phải nhập viện vì táo bón, tiêu chảy,…

Gây hại cho hệ tiêu hóa còn non nớt của trẻ

Không ít các bà mẹ cho con ăn bột từ khi bé chưa được 4 tháng tuổi. Một số mẹ tự dùng nước cháo, nước cơm cho con tập ăn với suy nghĩ chúng bổ dưỡng, lỏng và dễ tiêu hóa. Tuy nhiên, khi cho bé ăn dặm sớm, dù là dạng nước thì bé rất dễ bị tiêu chảy, nôn trớ hay đi ngoài phân sống. Nguyên nhân là bởi bé chỉ quen tiêu hóa sữa từ khi chào đời. Nếu ăn quá sớm sẽ khiến hệ tiêu hóa của bé quá tải, gây rối loạn tiêu hóa. 


Có thể bị thiếu chất

Ăn bột sớm sẽ làm bé no bụng, giảm cảm giác thèm bú. Trong khi bột (chủ yếu là tinh bột và một số dưỡng chất khác) không thể đáp ứng nguồn dinh dưỡng dồi dào cho sự phát triển của bé như sữa mẹ. Vì thế, khi bé bú kém, ăn bột nhiều gây gây hiện tượng bụ bẫm, nhưng thật chất bé lại suy dinh dưỡng, còi xương do thiếu chất.

Tăng nguy cơ dị ứng

Trong nhiều trường hợp, một số bé cơ địa dễ dị ứng, nếu cho ăn dặm sớm còn làm tăng nguy cơ dị ứng ở bé. Kèm theo dị ứng là đau bụng và tăng tỷ lệ bị bệnh chàm. Một nghiên cứu được tiến hành với nhóm trẻ từ lúc mới sinh đến 3 tuổi cho thấy, ở những trẻ được nuôi bằng sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu và sau đó ăn bổ sung hợp lý, tỷ lệ bị eczema rất thấp so với nhóm được nuôi bằng sữa bò và ăn bổ sung quá sớm.

Các nguy cơ khác

Các nghiên cứu khoa học cho thấy, thức ăn bổ sung như bột ngũ cốc, rau, quả… có thể ảnh hưởng tới sự hấp thu sắt trong sữa mẹ. Hậu quả là trẻ bị thiếu máu do thiếu sắt. Đồng thời, việc bổ sung quá sớm thức ăn sẽ làm tăng nguy cơ béo phì. Bé ăn dặm sớm thì men amylasa được tăng tiết khi tinh bột và các thức ăn khác đưa vào bữa ăn của trẻ. Do đó, thận cũng được kích thích làm việc nhiều hơn để tăng khả năng lọc và bài tiết. Và khi trẻ thích nghi với chế độ ăn bổ sung, bố mẹ lại cho rằng bé ăn càng nhiều càng tốt nên tiếp tục nhồi nhét. Trẻ ăn quá nhiều trở thành thói quen, dẫn đến tăng cân quá mức. Bệnh béo phì xuất hiện. Nếu không được điều chỉnh thì bệnh phát triển mãi đến tuổi trưởng thành.

Một nguy cơ khác có thể gặp phải là bệnh tăng huyết áp. Trong sữa mẹ, hàm lượng natri thấp, khoảng 15mg là đáp ứng đủ nhu cầu của bé. Tuy nhiên, khi ăn dặm lượng natri đưa vào cơ thể có thể tăng lên gấp nhiều lần, đặc biệt là những bà mẹ có thói quen ăn mặn. Đây là một trong những yếu tố chính gây ra bệnh tăng huyết áp.

Lời khuyên của các chuyên gia 


Các nhà nghiên cứu về nhi khoa cho rằng: thời điểm tối ưu để cho trẻ ăn dặm là lúc 4-6 tháng, khi chức năng tiêu hóa của ruột và khả năng của thận đã khá hoàn thiện, sẵn sàng cho việc ăn uống ngoài sữa. Mặt khác, nhu cầu các chất khoáng như: sắt, kẽm bắt đầu có thể bị thiếu hụt từ khoảng 4 tháng tuổi. Vì vậy, khi bé tròn 4 tháng tuổi, mẹ cần theo dõi sự tăng cân của bé sát sao hơn. Lúc này, nếu bạn thấy trẻ dòm miệng mọi người khi ăn uống, đòi thức ăn thì có thể thử cho bé uống chút nước súp, nước cháo hoặc trái cây. Đây cũng là thời gian tập cho bé ăn dễ dàng nhất.

Để bé ăn dặm hiệu quả, bạn cần lên kế hoạch để tạo lập thói quen khi cho bé ăn dặm. Tạo lập thói quen cho ăn vào những thời gian nhất định trong ngày sẽ giúp bé quen với chế độ ăn mới khi ăn dặm.
Bắt đầu một cách từ từ là cách tốt nhất khi cho bé ăn dặm. Bắt đầu bằng một bữa ăn dặm trong một ngày, dần dần chuyển sang ăn hai hoặc ba bữa ăn dặm một ngày.
Bé ăn dặm nhiều thì càng bú ít. Tuy nhiên, sữa vẫn rất quan trọng và một phần trong chế độ ăn của bé cho đến khi bé ít nhất là 12 tháng tuổi.
Edit

DÀNH RIÊNG CHO BẠN:

    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét